14/09/2017 - Đăng bởi : Vũ Thị Thu Huyền
Sáng 30/8, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Quy hoạch này đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 5800/QĐ-UBND ký ngày 22/8/2017.
Mục đích của việc quy hoạch này nhằm đảm bảo phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch viễn thông quốc gia, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, phù hợp với Nghị quyết đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVI, là một phần không thể tách rời quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng (tỷ lệ 1/500 và 1/2000) và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của các ngành khác trên địa bàn Thành phố; đáp ứng yêu cầu về sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và giữa các ngành...
Trong đó mục tiêu chung đến năm 2020 là phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động bảo đảm tính bền vững, ổn định, khai thác, quản lý hạ tầng hiệu quả và tiếp cận nhanh với những tiến bộ về khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn thông tin, mỹ quan đô thị, thân thiện môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn kết với đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn Thành phố, là nền tảng vững chắc để xây dựng thành phố thông minh; chia sẻ và sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật để cung cấp đa dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin trên cùng một hạ tầng kỹ thuật; Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp tham gia thị trường, xây dựng phát triển hạ tầng mạng lưới; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu về hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.
Những chỉ tiêu phải hoàn thành đến năm 2020
Trong gian đoạn từ năm 2017 đến 2020, các tuyến phố chính từ đường vành đai 3 trở vào trung tâm Thành phố sẽ được chỉnh trang thông qua việc hạ ngầm, thanh thải bó gọn và sắp xếp các đường dây đi nổi. 100% mạng cáp viễn thông tại các tuyến đường vành đai của Thành phố, khu đô thị mới, các khu đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp, khu dân cư mới và khu vực các tuyến đường xây dựng mới... sẽ được hạ ngầm.
Đến năm 2020, 50% cột ăng ten cồng kềnh phải được chuyển đổi sang loại cột ăng ten không cồng kềnh (A2) hoặc ngụy trang, thân thiện môi trường (loại A1) tại các khu phố cũ Hà Nội và các khu vực yêu cầu về cảnh quan đô thị; Đảm bảo tỷ lệ 30-35% dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông (nhà trạm, cột ăng ten); Phát triển các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng không người phục vụ bằng hình thức xã hội hóa đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân trên địa bàn Thành phố tại các khu công cộng, điểm du lịch, trung tâm văn hóa và trung tâm thương mại.
“Các doanh nghiệp viễn thông cần xem xét kỹ nội dung Quy hoạch này, để trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, phê duyệt. Các doanh nghiệp viễn thông cũng cần quan tâm tới kế hoạch chuyển đổi cột ăng ten cồng kềnh sang ăng ten không cồng kềnh để biết cột ăng ten loại nào sẽ được cấp phép theo từng giai đoạn và khu vực”, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, bà Phan Lan Tú lưu ý với các doanh nghiệp tại Hội nghị.
Trong giai đoạn 2017 đến 2020: Thành phố Hà Nội dự kiến đầu tư xây dựng, phát triển mới khoảng 6000 cột ăng ten (trong đó: khoảng 2.250 cột ăng ten xây dựng mới, còn lại sử dụng chung cơ sở hạ tầng với cột ăng ten hiện có) đến mở rộng vùng phủ sóng triển khai mạng 4G.